BÚN BÒ HUẾ - SAY ĐẮM MÓN NGON KINH KỲ
BÚN BÒ HUẾ - SAY ĐẮM MÓN NGON KINH KỲ
Nhắc đến món bún bò, ta bất chợt nhớ ngay đến tô bún bò Huế - cội nguồn của mọi thanh vị bún bò khác trên mọi miền đất nước. Món ăn đặc trưng bởi nét thanh đạm, hài hòa của nước dùng, từ sự chỉn chu, tỉ mỉ trong khâu chế biến, lựa chọn nguyên liệu.
Bún bò huế không chỉ đơn thuần là một món ăn truyền thống của Huế, đối với người Huế, bún còn phần nào thể hiện một phần lối sống, chứa nét đẹp nhẹ nhàng của dân Huế cố đô, không chút cầu kỳ, nhưng vẫn toát nên đẹp vẻ đẹp mộc mạc, sự thanh tao, nhã nhặn. Cũng như, dù có muốn tô bún bò trông ấn tượng hơn, “hiện đại hơn”, tô vẽ thêm trong khâu chế biến, tìm mọi cách thêm thắt gia vị, thì vẫn chẳng thể nào bằng tô bún bò Huế mộc mạc bởi các O bưng gánh bán đầu làng.
Có lẽ, chưa vội thưởng thức, chỉ việc nhìn ngắm tô bún bò đã đủ cảm thấy ngon miệng đến chừng nào. Nước bún trong để lộ những tép bún trắng nõn nà, vài sợi ớt xắt mỏng màu đỏ nhạt, quyệt với dầu sả nối đốm sao trên mặt tô, vài miếng giò heo búp, ba bốn lát thịt bò bắp nằm xâm xấp trên mặt nước, bên trên phủ vài cọng hành lá xanh chẻ sợi mỏng, …tổng thể như vẽ lên một bức tranh đa sắc, hài hòa.
Khi ăn bún bò, có người thường vắt thêm một ít chanh, nếu muốn ăn đậm đà hơn thì dặm thêm một muỗng ruốc, ưng cay hơn thì gia thêm một tí ớt xắt lát mỏng. Khi đã nêm xong, nếm một muỗng nước bún khai vị để cảm nhận được chất ngọt thanh từ xương, sự hòa quyện của vị sả, vị ruốc, vị xương hầm, thịt luộc, vị chanh, vị rau, tiêu hành nước mắm…
Theo thời gian và không gian, bún bò Huế có lúc và có nơi chỉ còn là một cái tên và hương vị đã chẳng còn giữ được nét nguyên bản. Nhiều người vẫn tự thắc mắc, chẳng biết tô bún bò Huế thời vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và tô bún thời vua Bảo Đại năm 1954 có gì khác nhau. Chỉ biết rõ rằng, khách ăn bún Huế sẽ cảm thấy tô bún tại An Hoà khác hẳn tô bún An Cựu, nơi này có thêm lát chả, nơi kia lại có thêm miếng huyết, nơi nọ lại bài trí thêm rau thơm và chuối cây xắt mỏng. Càng đi xa, càng bắt gặp được nhiều những phong vị bún khác nhau.
Có thể nói, bún bò đã trải dài khắp tứ xứ, và dù phong vị có đổi khác, cũng giúp nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ của những người con xa hương. Bởi lẽ, mỗi món ăn có thể khác nhau về hương vị, nguyên liệu hay cách bài trí, nhưng với những người con xa hương thì lại cùng giống nhau ở nỗi nhớ quê nhà, cứ luôn dạt dào trong sâu thẳm mỗi tấm lòng. Thế nên, "Bún Bò Huế không còn là riêng của Huế nữa mà hương sả nồng, vị ớt cay, mùi ruốc mặn đã thấm vào mạch đất quê hương và lòng dân tộc Việt đầy yêu thương" - Trần Kiêm Đoàn.